Bối cảnh Trận_Charleroi

Kế hoạch chiến tranh của Bộ Tổng tham mưu Đức đầu tháng 8 năm 1914 quy định các Tập đoàn quân số 1 (Đại tướng Alexander von Kluck chỉ huy), 2 (Đại tướng Karl von Bülow chỉ huy) và 3 (Đại tướng Max von Hausen chỉ huy) di chuyển về hướng tây và tây nam. Theo đó, Bülow sẽ đem 137 tiểu đoàn và 820 đại bác của Tập đoàn quân số 2 đi vòng pháo đài Namur theo con đường La Mã cổ từ Eghezée, Gembloux và Fleurus đến sông Sambre bên bờ trái sông Meuse. Đội hình Tập đoàn quân số 2 từ trái sang phải bao gồm Quân đoàn Vệ binh Phổ dưới quyền tướng Karl von Plettenberg, Quân đoàn X Phổ dưới quyền tướng Otto von Emmich, Quân đoàn Trừ bị X dưới quyền tướng Günther von Kirchbach và Quân đoàn VII Phổ dưới quyền tướng Karl von Einem. Để yểm trợ cánh trái của Tập đoàn quân số 2, Hausen kéo 101 tiểu đoàn và 596 đại bác của Tập đoàn quân số 3 (gồm Quân đoàn XII Sachsen - tướng Karl Ludwig d'Elsa, Quân đoàn XIX Sachsen - tướng Maximilian von Laffert, Quân đoàn Trừ bị XII - tướng Hans von Kirchbach và Quân đoàn XI Phổ - tướng Otto von Plüskow) tiến qua vùng rừng núi Ardennes để tới sông Meuse.[11][12]

Đại tướng Karl von Bülow, Tư lệnh Tập đoàn quân số 2 Đức
Đại tướng Max von Hausen, Tư lệnh Tập đoàn quân số 3 Đức

Vào ngày 15 tháng 8, bộ binhkỵ binh tiền phương của Tập đoàn quân số 3 tiến hành tập kích các đơn vị Pháp thuộc Quân đoàn I (tướng Franchet d'Espèrey chỉ huy) vừa được điều đến Dinant trên sông Meuse. Được sự yểm trợ chặt chẽ của súng máy và đại bác, cuộc tập kích đã thành công. Sau khi tra khảo tù binh và nhận được đầy đủ thông tin về lực lượng địch trong khu vực, quân Đức tự rút khỏi Dinant. Cùng ngày, tin tức về việc 1 vạn kỵ binh Đức đã vượt sông Meuse ở Huy đã được loan đến Bộ Tổng tham mưu Pháp. Bước tiến của quân Đức về Dinant và Huy đã buộc Tổng tham mưu trưởng Joseph Joffre ban bố Quân lệnh 10 cho tướng Chales Lanrezac mang toàn bộ Tập đoàn quân số 5 (193 tiểu đoàn và 691 đại bác) vào đóng giữ vùng tam giác Meuse-Sambre để đối phó với Tập đoàn quân số 2 của Đức trên mạn bắc và Tập đoàn quân số 3 của Đức trên mạn đông. Từ khởi điểm gần Mézières, Tập đoàn quân số 5 của Pháp phải hành quân trên một quãng đường dài đến 120 km để vào vị trí mới của mình. Trong các cuộc thám thính về phía tây nam Namur vào ngày 18 tháng 8, không quân Đức đã xác định được cánh phải của một tập đoàn quân Pháp đang tiến vào vùng tam giác Meuse-Sambre.[12][13]

Sau khi quân chủ lực Tập đoàn quân số 5 tiếp cận sông Sambre vào ngày 19 tháng 8, Lanrezac bài trí quân lực theo một chữ V ngược khổng lồ: để đề phòng nguy cơ bị quân Đức đánh bọc sườn phải, ông dự trữ Quân đoàn I trên bờ tây sông Meuse từ Givet đến Namur. Bên trái Quân đoàn I, Lanrezac cho Quân đoàn X của tướng Gilbert Defforges án ngữ dọc theo sông Sambre và đối diện về hướng tây bắc. Xa về bên trái, Quân đoàn III do tướng Henri Sauret chỉ huy được bố trí dọc sông Sambre theo hướng đối diện với Charleroi. Quân đoàn XVIII của tướng Jacques de Mas Latrie bấy giờ vẫn chưa đến nơi, và khi nào đến thì sẽ án ngữ dọc sông Sambre ở cánh trái Quân đoàn III. Sườn trái Tập đoàn quân số 5 được yểm trợ bởi một quân đoàn kỵ binh do tướng André Sordet chỉ huy, đã đánh nhiều trận lẻ với kỵ binh Đức trong ngày 20 và bị tổn hao 1/6 nhân lực của mình. [10][12]

Tướng Charles Lanrezac - Tư lệnh Tập đoàn quân số 5 Pháp

Đêm ngày 20, tướng Joffre hạ lệnh cho Tập đoàn quân số 5 Pháp phát động tiến công, đồng thời yêu cầu Thống chế Sir John French đem Lực lượng Viễn chinh Anh tấn công qua kênh Mons-Condé "theo hướng Soignies" để hiệp lực với cánh trái của Lanrezac.[12] Do các lực lượng khá lớn của Đức đang hiện hữu ở cả hai bên sông Meuse, Joffre xác định mục tiêu của cuộc tấn công phối hợp này là truy tìm và đánh bại quân chủ lực Đức tại bờ tây sông Meuse. Nhưng vào buổi trưa ngày 21 tháng 8, Lanrezac báo với Joffre rằng quân Anh không thể đến Mons trong vòng 2 ngày tới.[10] Không biết nên tiến hay thủ, Lanrezac trở nên do dự mãi đến khi Joffre phát lệnh cho ông tiến công mà không cần quân Anh hiệp sức. Nhưng giờ đã muộn để Tập đoàn quân số 5 Pháp có thể vượt sông Sambre và đuổi quân Đức khỏi các cao điểm phía bắc. [12]